Home / Khoa học & Công nghệ / 10 quy tắc đơn giản để thương mại hóa nghiên cứu khoa học

10 quy tắc đơn giản để thương mại hóa nghiên cứu khoa học

Thương mại hóa thành quả hay một ý tưởng khoa học mang tính đột phá về cơ bản cũng giống như thương mại hóa bất kì thứ gì, ngoại trừ việc thực hiện khó khăn hơn nhiều. Nhiều khi việc này còn khó khăn bởi vì chúng ta phải xây dựng thị trường cho một sản phẩm mới, chứ không phải là thiết kế một sản phẩm cho phù hợp với một thị trường hiện hữu.

Thương mại hóa khác biệt với việc khởi tạo và điều hành một công ty ở chỗ việc thiết lập và điều hành một công ty đòi hỏi những nỗ lực rộng lớn hơn. Mặc dù vậy, thương mại hóa có thể cũng đòi hỏi một nỗ lực to lớn. Ví dụ, bạn có thể trao kháng thể đơn dòng của mình cho Công ty Sigma để họ cung cấp cho các nhà nghiên cứu và nhận lại từ công ty này một khoản tiền bản quyền trí tuệ nhỏ; hoặc bạn cũng có thể chọn cách khác là bạn tham gia vào quá trình phát triển Herceptin (kháng thể đơn dòng kháng HER2) từ vật liệu ban đầu là kháng thể đặc hiệu từ chuột để ứng dụng nó làm thuốc điều trị hiệu quả ung thư vú, đây là một quá trình kéo dài  hơn một thập kỉ. Ở đây chúng tôi cho rằng cách đầu tiên là để người khác thực hiện quá trình thương mại hóa, dù có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng chắc chắn là có ít việc phải làm hơn nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là bạn có ít khả năng kiểm soát quá trình thương mại hóa hơn.

Sự thương mại hóa là chủ đề được nghiên cứu rất nhiều cả bởi các học giả và cộng đồng các doanh nghiệp. Tất cả các viện nghiên cứu lớn thường có các văn phòng thúc đẩy và giúp đỡ các nhà khoa học đưa các nghiên cứu của mình vào thị trường. Vì vậy trong bài báo 10 QUY TẮC ĐƠN GIẢN này chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết mà thay vào đó sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng cần xem xét trước, trong và sau khi làm việc văn phòng thúc đẩy thương mại hóa chuyên nghiệp.

 

QUY TẮC 1: CÁI THÚC ĐẨY KHOA HỌC CHƯA CHẮC ĐÃ THÚC ĐẨY KINH DOANH

Đối với các nhà khoa học, môt nghiên cứu có giá trị hay không được đo bằng sự đóng góp tiên phong của nó đối với việc mở rộng tầm hiểu biết của con người về thế giới. Còn giới kinh doanh lại có quan điểm khác, đối với họ quan trọng nhất là kết quả nghiên cứu đó có tạo ra lợi nhuận hay không. Điều này làm nảy sinh một khoảng cách văn hóa lớn. Ở thế kỉ thứ 18, khi người Trung Quốc bắt đầu sản xuất đồ gồm sứ cho thị trường Châu Âu, người ta cho rằng họ  không hiểu gì nghệ thuật vẽ phối cảnh. Chùa chiền xuất hiện với kích thước bằng các lọ hoa. Các nghệ nhân thì hiểu theo chủ nghĩa tượng trưng; trong khi người Châu Âu thì tìm kiếm chủ nghĩa hiên thực. Và cũng như vậy với vấn đề thương mại hóa: các nhà khoa học không được chuẩn bị để làm kinh doanh (thậm chí một vài người có thể nói điều này đi ngược lại với tự do học thuật) và phần lớn các doanh nghiệp cũng không biết về khoa học trừ trường hợp ngoại lệ nếu họ là doanh nghiệp nghiên cứu. Khi hai giới khoa học và kinh doanh xung đột với nhau thì cần có những nhà làm trung gian và diễn giải để đảm bảo đạt được những hiểu biết chung cũng như sự nhất trí về con đường dẫn đến thành công cho việc thương mại hóa nghiên cứu đó. Các nhà khoa học cần có những người làm kinh doanh có “cùng bước sóng” trong nhóm để đưa cho họ những giải thích và chỉ dẫn.  Ngược lại, các nhà kinh doanh phải có khả năng xác định các trường đại học, viện nghiên cứu có gì để cung cấp và làm thế nào để có thể tạo ra lợi nhuận từ đó. Cầu nối hai giới này với nhau khá đa dạng, có thể là các Phòng Phát triển thuộc các đại học hay các đơn vị mở rộng của doanh nghiệp và thậm chí là các tổ chức kết nối chuyên nghiệp như là CONNECT (http://www.connect.org). Đó là những nguồn lực có giá trị và nên được sử dụng bởi cả các nhà khoa học cũng như các đối tác kinh doanh tiềm năng.

QUY TẮC 2: KHÔNG CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG ĐỂ THƯƠNG MẠI HÓA

Ở Mỹ người ta phải cám ơn điều lụật Bayh-Dole về sở hữu trí tuệ nảy sinh từ những nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ, bởi lẽ điều luật này đã tạo hành lang pháp lý cho việc thương mại hóa các thành tựu đột phá trong khoa học một cách chính thức trong những năm gần đây trong đó giới học thuật đã đóng vai trò chủ động trong việc thúc đẩy và chuyển đổi vốn trí tuệ của họ vào kinh doanh. Có rất nhiều con đường cho việc này: bán đứt bản quyền, thu tiền bản quyền dựa trên mức tiêu thụ, tự đầu tư, và tự phát triển nôi bộ. Các doanh nghiệp đã tự mình xích lại gần với các trường đại học lớn (ví dụ như công viên khoa học) để cùng chia sẻ nguồn nhân lực.  Ẩn dưới tất cả hoạt động này là những vấn đề phức tạp liên quan tới giá trị tiềm năng nằm trong những tài sản trí tuệ đó và làm thế nào để phát triển được chúng tốt nhất mà không đi chệch quá xa so với những ý tưởng ban đầu đồng thời vẫn tạo ra giá trị. Có rất nhiều cách để đi từ phòng thí nghiệm tới cửa hàng: thương mại hóa thành quả khoa học cũng giống như bất kì quá trình thương mại khác – nó gồm một phần nghệ thuật, một phần khoa học, môt phần cảm hứng, một phần công sức. Hầu hết các cách đi đều chỉ là cơ chế khung, có cái có hiệu quả có cái thì không- và không có một cách bí mật nào để làm những điều này. Bởi vậy nếu ai đó khẳng định với bạn tại thời điểm bắt đầu rằng sẽ chắc chắn thành công (hay ngược lại) thì đừng tin họ. Có rất nhiều việc khó khăn và phải thực hiện được thì mới biết ý tưởng đó có thể thương mại hóa được hay không. Và cũng đừng bao giờ tin vào lời khuyên rằng “đây là cách tốt nhất” mà chỉ dựa trên một ví dụ đơn lẻ. Cứ mỗi một ý tưởng nghiên cứu có thể làm nên việc lớn, thì có cả hàng trăm ý tưởng sẽ bị héo tàn dần dần. Những thất bại này hiếm khi được phân tích mổ xẻ bởi vậy chúng ta không thể biết được tại sao chúng ta lại thất bại và bài học mà chúng ta có thể rút ra là gì

QUY TẮC 3: BẠN PHẢI BIẾT QUYỀN CỦA MÌNH VÀ QUYỀN CỦA ĐỒNG NGHIỆP

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng việc biết ai sở hữu và ai có quyền phát triển các thành quả nghiên cứu của bạn là cực kì quan trọng. Trong môi trường học thuật, mặc định là hầu hết các cơ quan (hoặc đôi khi có thể là các nhà tài trợ) sở hữu kết quả nghiên cứu của bạn. Các tổ chức này có thể chọn nhiều cách để bảo vệ ý tưởng của bạn, như đăng kí bản quyền, xin giấy phép, hoặc đăng kí bằng sáng chế. Đây là cách làm  thông minh khi những ý tưởng nghiên cứu đó có giá trị thương mại (xem quy tắc 4). Sự bảo hộ này không đại diện cho bạn với tư cách là người phát minh, mà đại diện cho một hoặc nhiều cơ quan nơi nghiên cứu được thực hiện. Bạn cần hiểu sự bảo hộ này có ý nghĩa gì về các khía cạnh quá trình, chi phí và thời gian thực hiện. Nghiên cứu là cộng tác, thường là giữa nhiều tổ chức liên quan với nhau, và điều này có thể làm cho quyền sỡ hữu tài sản trí tuệ trở nên cực kì phức tạp. Các vấn đề như thế nên được xem xét kĩ lưỡng và đạt được sự nhất trí giữa tất cả các nhà khoa học có liên quan trước khi đem công bố. Sự hợp tác khoa học tốt đẹp có thể bị hủy hoại bởi sự hiểu nhầm chiến lược thương mại hóa.

QUY TẮC 4: CÂN NHẮC NHỮNG TÁC ĐỘNG KHI CHUYỂN TỪ SỞ HỮU ĐẠI CHÚNG SANG SỞ HỮU TƯ NHÂN

Nghiên cứu trong môi trường học thuật có rất nhiều lợi ích, ví dụ, tự do hợp tác, tự do chia sẻ dữ liệu, kiến thức và tự do công bố. Khi chuyển nghiên cứu này sang khu vực tư nhân thì sẽ có các quy tắc khác. Sự bảo vệ tài sản trí tuệ là rất cần thiết. Trong một vài trường hợp,  bảo vệ  đầu tư đó có tác động tới các bước phát triển tiếp theo và có ảnh hưởng tới tự do học thuật. Ví dụ, xem xét một tình huống là một công ty mua giấy phép của một công nghệ chuyển giao từ một viện nghiên cứu. Công ty này sẽ có quyền tiếp tục phát triển công nghệ đó.. Những quyền đó có thể ảnh hưởng tới khả năng công bố tự do những phát triển mới của các nhà nghiên cứu trong môi trường học thuật.

QUY TẮC 5: BẠN QUYẾT ĐỊNH CHUYỂN GIAO BAO NHIÊU

Ở một thái cực bạn có thể chuyển giao toàn bộ nghiên cứu của mình và chấp nhận một vài trò mờ nhạt thậm chí không có vai trò gì trong quá trình thương mại hóa sau này, ở thái cực kia bạn có thể tham gia rất nhiều vào công ty đang thương mại hóa nghiên cứu của bạn hoặc thậm chí thành lập ra một công ty để làm toàn bộ các bước thương mại hóa nghiên cứu đó của bạn. Mức độ tham gia vào quá trình thương mại hóa sẽ quyết định thời gian tham gia và mức tiền thưởng bạn có thể nhận được từ sự thương mại hóa. Điều này cần được suy nghĩ kỹ lưỡng ngay từ ban đầu và xác định kế hoạch cho việc này trong mục tiêu tổng thể về nghề nghiệp của bạn. Một số nhà khoa học đã chuyển dịch thành công sang lĩnh vực kinh doanh – thường là với vai trò người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển, tránh được công việc với những rắc rối hành chính nhưng lại là phần quan trọng kinh doanh – còn một số khác vẫn ở trong giới học thuật. Thị trường thường không có cảm xúc, không quan tậm bạn làm gì, mà chỉ quan tậm bạn có thể đóng góp gì mà thôi.

QUY TẮC 6: CẦN PHÂN BIỆT NGHIÊN CỨU VỚI PHÁT TRIỂN VÀ PHẢI THỰC TẾ

Có sự khác biệt to lớn giữa nghiên cứu cơ bản và phát triển nghiên cứu để đạt tới điểm có thể thương mại hóa. Thông thường “phát triển” được thực hiện bởi các chủ thể thương mại hóa sản phẩm và các đơn vị đó có thể được coi như là điểm giao nhau của văn hóa học thuật và văn hóa thương mại. Nghiên cứu phát triển có thể cực kì tốn kém, mất nhiều thời gian và chứa đựng rủi ro tài chính rất lớn đối với nhà đầu tư, đặc biệt vì nó là khoản đầu tư trước. Nhà đầu tư phải nhìn thấy các vấn đề như là sản xuất quy mô lớn (nâng cấp từ quy mô phòng thí nghiệm), sự phân phối, hậu cần, giá thành, tính thực tiễn, tiếp thị, vấn đề an toàn, pháp luật v.v. Thông thường có ít nhất một trong số những yếu tố trên không thể giải quyết được và  sự đột phá dần dần bị chậm lại, có thể kéo dài hàng thập kỉ, cho đến khi tìm ra được giải pháp cho các vấn đề đó. Bộ gen cá nhân (personal genomics) là một ví dụ chứng minh cho việc mở rộng sự thương mại hóa phải đợi cho đến khi “kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới” ra đời và tạo ra các sản phẩm có tính khả thi. Các nhà khoa học cũng cần thực tế khi xác định giá trị của ý tưởng – họ thường không có khái niệm về chi phí phát triển sản phẩm và thường cho rằng nghiên cứu cơ bản quyết định phần lớn giá trị sản phẩm, điều này hầu như không bao giờ đúng.

QUY TẮC 7: THỊ TRƯỜNG CÓ THỂ CHƯA TỒN TẠI NGAY TỪ ĐẦU

Cách làm cũ là xem công ty bạn có thể sản xuất được sản phẩm gì rồi sau đó mới xem có thị trường cho sản phẩm đó hay không hiện đang ko được đánh giá cao trong kinh doanh hiện đại. Đây cũng chính là tình huống của nghiên cứu khoa học cơ bản, ở đó các nhà khoa học thường nghiên cứu những vấn đề do tò mò tìm hiểu kiến thức mới mà không có định hướng về thương mại hóa. Các nghiên cứu ban đầu thường không đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại và thị trường trừ các lĩnh vực như dược và kỹ thuật, và bởi vậy những đột phá thường được thực hiện trong sự cô lập với các yêu cầu của thị trường. Có rất nhiều giai thoại minh họa cho sự không tồn tại của thị trường. “Ai cần âm nhạc khi di chuyển?” là một nhận xét về Sony Walkman. “Không ai muốn một máy tính bảng mà không có bàn phím”, và còn nhiều ví dụ khác. Các ví dụ giống như trên thường được sử dụng để chứng minh rằng một ý tưởng hay sẽ đem đến thành công dù thế nào đi nữa, nhưng điều đó không đúng trong hầu hết các trường hợp. Có thể đi đến kết luận rằng nếu thị trường chưa sẵn có, thì phải được tạo dựng và phát triển. Việc này sẽ tốn tiền, cần quảng cáo, kĩ năng và thời gian.  Tất cả chi phí này sẽ nằm trong chi phí phát triển sản phẩm.

QUY TẮC 8: CÂN NHẮC GIỮA “MUỐN” VÀ “CẦN”

Trong tiếp thị có một chân lý được coi trọng đó là các sản phẩm luôn hướng tới giải quyết cái “Cần” chứ không phải là cái “Muốn”. Chúng ta thường biểu hiện những cái Muốn, tuy nhiên lại chỉ mua những cái Cần. Khách hàng muốn một con xe Ferrari nhưng họ lại mua một con xe Toyota.  Các nhà nghiên cứu học thuật rất dễ dàng tin rằng sản phẩm có kết quả từ những nghiên cứu của họ sẽ là thứ con người Cần, trong khi đó thật ra là Muốn (hoặc nói cách khác, nó là “có thì cũng thích” chứ không phải là “bắt buộc phải có”). Bởi vậy, thương mại hóa một đột phá cần phải giải quyết những thứ mà người khác và các doanh nghiệp khác sẵn sàng chi trả – đây là một vấn đề phức tạp. Thông thường, người ta phải tiêu tốn một lượng tiền bạc và thời gian nhất định để nghiên cứu thị trường để tìm ra câu trả lời – nếu không có ai mua (khách hàng) thì dù ý tưởng có hay tới cỡ nào cũng không bao giờ thương mại hóa thành công. Những năng động khác của thị trường cũng có thể gây ảnh hưởng: ví dụ, một vấn đề chung của những “Công nghệ đang bị xếp xó” đó là do thời gian hoàn vốn kéo dài hơn thời hạn mà thị trường có thể chịu đựng được. Những chủ nghĩa ngắn hạn liên quan đến thị trường đang giết chết dần những ý tưởng đầy hứa hẹn.

QUY TẮC 9: HÃY LÀM CHO NÓ DỄ HIỂU

Những người tài trợ cho việc phát triển các nghiên cứu của bạn và sau đó sẽ mang nó ra thị trường là những nhà kinh doanh, không phải là các nhà khoa học, bất kể việc sản phẩm cuối cùng có được nhắm tới những người mua là dân kĩ thuật hay không.  Ở giai đoạn sớm nhất, bạn cần tóm tắt thành một lời chào hàng có cánh – là một vài câu cho những người ngoại đạo có thể hiểu và đưa ra lý lẽ rõ ràng để thuyết phục họ chi tiền. Một ví dụ tốt là “một lò phản ứng nhỏ nằm gọn trong chiếc vali tạo ra năng lượng đủ cho một chiếc xe chạy trong một năm mà không cần sạc”; một ví dụ tồi là “Bọt gel mới”  – ai biết được nó là cái gì và nó có thể dung vào việc gì? Một vấn đề phổ biến đó là mối quan hệ của nghiên cứu với sản phẩm thực tiễn cuối cùng có thể không rõ ràng. Có thể giải quyết điều này bằng cách kết hợp:  “Bước đột phá của chúng tôi có một cải tiến khác biệt trên…”  Những lời chào hàng ban đầu của bạn nên tập trung vào các cơ hội có lợi nhuận cao nhất. Những nhà kinh doanh thích nhìn thấy một hướng đi rõ ràng dẫn đến các cơ hội thị trường rõ ràng hơn là phải tự mình tìm hiểu nó.

QUY TẮC 10: KHÁCH HÀNG LÀ NGƯỜI ĐÁNH GIÁ CUỐI CÙNG

Là người làm khoa học, việc bình duyệt các ấn phẩm nghiên cứu của chúng ta dựa trên tính mới và giá trị với cộng đồng là một quá trình khoa học và chính xác, Ví dụ của Henri Poincaré rất hữu ích để minh họa cho tầm quan trọng của quá trình đánh giá:  phiên bản đầu tiên của ông về “Vấn đề 3 vật thể” có một lỗi nghiêm trọng và lỗi này đã được chỉ ra trong quá trình bình duyệt. Sự thay đổi và sửa chữa sau đó đã dẫn đến một phát hiện cực kì quan trọng về lý thuyết hỗn loạn hiện đại. Khi xét tới cuốn sách tiên phong của Frege về logic tại thời điểm chuyển giao thế kỷ trước, Bertrand Russell đã đọc nó ở dạng bản thảo và đã gửi tới tác giả một bức thư chỉ ra nó là nạn nhân của “nghịch lý Russell” (đưa ra các trường hợp ngoại lệ của Russell) nhờ đó Frege đã có thể ghi chú thêm vào bản hoàn thiện xác nhận vấn đề này và thảo luận các trường hợp khác. Tương tự như vậy trong kinh doanh là tầm quan trọng của việc kiểm tra ý tưởng và sản phẩm trước khi chính thức thực hiện và lắng nghe cẩn thận những gì mà các khách hàng nói. Nghiên cứu thị trường có tầm quan trọng chìa khóa; nếu thị trường thờ ơ thì dù nghiên cứu có vĩ đại cỡ nào nó cũng không trở thành sản phẩm được. Bạn cũng cần chuẩn bị cho mình các tình huống như điều tra thị trường cho biết sản phẩm như bạn đã hình dung là không khả thi nhưng một sản phẩm khác biệt có khi lại có thể. Liệu đó có phải những gì bạn muốn?

Như chúng tôi đã nói từ đầu, việc tìm kiếm các giải pháp để phù hợp với các vấn đề của bạn luôn luôn là khó khăn. Tuy nhiên khó khăn hơn cả vẫn là tìm ra một ai đó ủng hộ bạn về tiền bạc, thời gian và các nguồn lực khác cần thiết để biến nghiên cứu khoa học của bạn thành một thứ có ích cho xã hội. Nhưng đừng bao giờ từ bỏ. Mẩu giấy Post-It lúc đầu chỉ là sự tò mò khoa học, chất Teflon cũng chỉ là một miếng flake, penicillin cũng chỉ là sự nhiễm bẩn vào đĩa Petri mà thôi.

Tuy nhiên hãy nhớ rằng là nhà khoa học tiên phong cái bạn thu được được có khi chỉ là kiến thức và sự công nhận – còn những người đưa nó ra thị trường (và chấp nhận các rủi ro tài chính và thương mại) sẽ dành phần lớn lợi nhuận có được. Nhưng là một nhà nghiên cứu khoa học hàn lâm, hy vọng rằng đó không phải là lý do bạn gia nhập giới khoa học ngay từ đầu. Hiện nay trên thế giới đang nhấn mạnh việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học cơ bản. Hãy là một phần của sự thay đổi đó.

Chuyển ngữ từ Ten simple rules to commercialize scientific research bởi Đinh Hương, hiệu đính bởi Daniel Le

Original Authors
Anthony C. Fletcher has a PhD in organic chemistry, and had a 20-year career as a management consultant with Deloitte and with Cap Gemini Ernst and Young and is now a freelance consultant.
Philip E. Bourne has a PhD in physical chemistry, is a professor of pharmacology and Associate Vice Chancellor for Innovation and Industrial Alliances at the University of California San Diego, the co-founder of SciVee.tv, and founding editor-in-chief of this journal. The authors have known each other since childhood and have been involved in one company together.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Top