Home / Giáo dục & Đào tạo / Cô giáo tôi

Cô giáo tôi

Mải mê với công việc, với gia đình và những lo toan của cuộc sống, thế rồi có lúc nó đã không nhân ra rằng nó đang sao nhãng một điều gì đó, cho đến một ngày, nó nhận được một e-mail với giọng trách móc nhưng trong lòng nó lại thấy rất vui. “Thằng kia, sao tìm mày khó thể hả?” là những chữ nó vẫn còn nhớ khi nhận được e-mail của một người chị, một người bạn cũ, ừ mà hình như không cũ, vì mối quan hệ đó vẫn tiếp tục, chỉ có điều ở một mức độ khác.

Một version khác được đăng trên báo Tuổi Trẻ

Đọc cái thư người ta gửi cho nó, nó chợt nhận ra rằng, thời gian trôi qua thật là nhanh, mới đó mà đã được 10 năm kể từ ngày nó tốt nghiệp ra trường, và 20 năm kể từ ngày thành lập Phòng Thí Nghiệm của cô (Phòng Enzyme, Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội)), nơi mà nó vẫn nghĩ là cái nôi, ừ – ít nhất là với nó. Kể từ hôm nó nhận được cái thư “trách móc” đó, những kỉ niệm cũ liên tục hiện về, nhiều lắm.

Nó còn nhớ cái ngày nó được Cô hỏi “Này em, em có muốn xuống phòng thí nghiệm của tôi để thực tập không?” Lời chủ động đề nghị đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất này của Cô đã góp một phần lớn tạo nên nó của ngày hôm nay.

Kì nhập học năm 1992, nó bước vào cổng trường Tổng Hợp với tư cách của một cậu sinh viên. Nó bỡ ngỡ trước những cái mới, cái lạ, và bạn bè mới. Sự phồn hoa của thành phố đã làm cho nó, một cậu sinh viên tỉnh lẻ, chui tọt vào cái vỏ ốc của chính mình. Học hết năm thứ nhất mà nó vẫn chưa thể định hình được sẽ theo ngành gì, sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Cũng phải thôi, bố mẹ nó đâu có được học nhiều để có thể hiểu mà chỉ dẫn cho nó. Nó vẫn đến lớp đều đặn như những sinh viên khác. Thế rồi đến năm thứ 2 lớp nó được học môn của Cô. Ở đó nó dường như tìm thấy được niềm đam mê của mình, nó gặm nhấm say sưa những gì được giảng trên lớp và luôn là người “nói leo” ngay sau khi những câu hỏi được Cô đưa ra. Cõ lẽ phong cách giảng bài của Cô đã làm cho nó quan tâm đặc biệt đến môn này. Cho đến giờ nó vẫn không dám khẳng định nhưng có thể thái độ học tập nghiêm túc của nó đã được Cô chú ý, và rồi nó đã được Cô “mời” xuống thực tập ở Phòng Thí nghiệm của Cô như thế.

Dù chưa thể hình dung được những khó khăn đang chờ nó phía trước, nhưng lời đề nghị của Cô đã cho nó sự tự tin, và làm cho nó hiểu rằng, hình như nó có khả năng theo ngành đó. Vâng, chính Cô đã nhìn nhận ra nó trước khi nó có thể hiểu về khả năng của chính mình.

Hồi đó nó tự hào lắm, và đến bây giờ vẫn vậy, khi được là học trò của Cô, được thực tập ở Phòng Thí nghiệm của Cô. Đi đâu gặp bạn bè chúng đều bảo nó là học trò cưng của Cô, nó chỉ cười. Nó biết chứ, với Cô không có học trò nào là cưng cả mà tất cả đều được đối xử công bằng. Mặc dù rất bận Cô luôn dành cho nó và những học trò khác những khoảnh khắc quí báu để nói về thí nghiệm hay chỉ để chia sẻ chút kinh nghiệm sống của người đi trước. Biết hoàn cảnh của nó khó khăn nên cô đã dành cho nó nhiều sự quan tâm hơn, kể cả những vấn đề ở ngoài phòng thí nghiệm.

Quãng thời gian 03 năm thực tập tại phòng thí nghiệm của Cô tuy chưa phải là nhiều nhưng đã có ý nghĩa rất lớn đối với nó, những tính cách bồng bột, những niềm say mê mới đầu chỉ mang tính tự phát của nó đã được sự nghiêm khắc của Cô uốn nắn, chỉnh sửa. Nó cam đoan rằng mọi người, những ai đã từng lớn lên từ “cái nôi” này, đều phải công nhận rằng sự nghiêm khắc của Cô có vai trò quan trọng trong phát triển sự nghiệp của họ sau này.

Những người biết Cô đều bảo “không nghiêm khắc thì không phải là Cô”, vâng, và Cô thậm chí chấp nhận hy sinh những tình cảm cá nhân của mình với học trò, chỉ cần biết rằng điều Cô làm là tốt cho họ. Nó chợt nhớ một câu ngạn ngữ nói rằng “Kẻ nào ở nhà không có cha anh nghiêm, ra đời không có bạn hiền, kẻ đó khó mà có thể nên người được”. Có lẽ không chỉ với riêng nó mà với nhiều người khác, Cô vừa là một người cha già nghiêm khắc luôn hướng tới sự hoàn thiện cho những đứa con, vừa là một người bạn hiền chia sẻ những cho họ những kinh nghiệm của người đi trước. Nó còn nhớ Cô thường bảo “Bây giờ có lẽ các em chưa hiểu hết được điều tôi nói và làm cho các em đâu, mà phải 5 năm hay 10 năm nữa các em mới thấm”. Quả thật lúc đó nó cũng chỉ láng máng hiểu được điều Cô nói.

Thế rồi nó tốt nghiệp, nó vào đời mang theo những lời dạy bảo của Cô. Với thời gian nó ngày càng thấm thía những lời chỉ bảo và những gì Cô đã làm cho nó. Nó biết nó còn phải cố gắng nhiều mới có thể đáp ứng được những mong mỏi của Cô, và nó cũng hiểu rằng, nếu không có Cô, không có những thời gian được rèn luyện dưới sự chỉ bảo của Cô, nó không thể là nó của ngày hôm nay.

Nó luôn cầu mong cho Cô sức khỏe để dõi theo những bước đi của học trò mình, để cho những “con chim đã ra ràng” được có lúc bay về tổ cũ./.

(Thân yêu Tặng Cô, nhân dịp cô 68 tuổi và 20 năm thành lập phòng thí nghiệm của Cô)

Học sinh Lê Tiến Dũng (1993-1996)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Top