Home / Giáo dục & Đào tạo / Đầu tư kinh phí đào tạo tiến sỹ theo “kênh” nào?

Đầu tư kinh phí đào tạo tiến sỹ theo “kênh” nào?

Một vài bài viết đăng trên các báo gần đây cho rằng muốn nâng cao chất lượng đào tạo Tiễn sỹ trong nước thì cần phải đầu tư. Điều này thì hiển nhiên đúng, tuy nhiên đâu tư theo “kênh” nào để đảm bảo hiệu quả đầu tư cao tránh lãng phí? Bài viết dưới đây xin mạn phép bàn về vấn đề này.

Chị N.H.M. Q., công tác tại một trường Đại học tại Hà Nội, người đã từng làm tiến sỹ ở dạng chuyển tiếp sinh và GS hướng dẫn của chị cho biết "số tiền nghiên cứu do bộ GD ĐT bao cấp không đủ và phần lớn được trang trải từ đề tài nghiên cứu của Giáo sư hướng dẫn". Tuy nhiên chị Q. cũng cho biết rằng cũng có trường hợp thì số tiền đó còn dư ra và họ còn có thể dùng được vào các chi tiêu cá nhân.

Có ý kiến cho rằng do kinh phí đào tạo tiến sỹ chỉ có 5,5 triệu/năm nên thầy và trò chỉ nghiên cứu những vấn đề đơn giản, ít tốn kém dẫn đến chất lượng thấp. Và đề nghị nên tăng kinh phí này lên để nâng cao chất lượng. Y kiến này là đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ có những đề tài do đặc thù nghiên cứu đòi hỏi một kinh phí rất lớn, tuy nhiên cũng có đề tài thì với số kinh phí trên vẫn thừa. Vậy nên đầu tư theo “kênh” nào? Đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa đào tạo và các đề tài nghiên cứu. Gần đây cũng đã có nhiều Viện nghiên cứu xin thêm chức năng liên kết đào tạo sau đại học đây là bước phát triển hợp lý, tuy nhiên cũng cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học hơn nữa nếu không việc đào tạo SĐH sẽ hoàn toàn chuyển ra khỏi trường ĐH và sẽ làm mất vai trò “dẫn đường” trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường Đại học.

{styleboxop} Bài đã được đăng trên VietnamNet {/styleboxop} Để làm được điều này theo tôi cần giải quyết 2 việc: (1) Bộ GD ĐT cần có một quỹ nghiên cứu riêng, đủ mạnh [không phải nhóm đề tài cấp bộ loại 10-30 triệu/cái làm trong vòng 1 năm] (2) Cơ quan quản lý quỹ nghiên cứu quốc gia (Bộ KH CN) cần xây dựng thang điểm ưu tiên cho những người tham gia đấu thầu đề tài thuộc Trường Đại học. Ví dụ có 2 chủ nhiệm đề tài như nhau, thì người ở trường Đại học cần được ưu tiên hơn, thậm chí cần phải chia thang điểm theo vùng, chủ nhiệm đề tài ở các Đại học vùng phải được ưu tiên hơn người ở Đại học quốc gia nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối.

Ấn độ có chương trình học bổng Tiến sỹ khá qui củ và tập trung (CSIR PhD fellowship). Học viên trong chương trình này được nhận từ 8.000-10.000 rupie/ tháng cho sinh họat, ngoài ra chương trình còn cung cấp mỗi năm 20,000 rupies tiền nghiên cứu, tuy nhiên với hầu hết học viên thì số tiến này chỉ mang tính chất hỗ trợ. Tiến sỹ Venkatesh K. S., người đã được học bổng nói trên hiện làm việc ở Trường Đại học Tennessee tại Memphis, Mỹ cho biết luận án của anh làm về vi sinh vật, số tiền đó chỉ đủ chi trả khoảng 10% chi phí nghiên cứu, phần còn lại được chi trả bởi đề tài nghiên cứu của GS hướng dẫn. Anh còn cho biết thêm, mỗi năm có khoảng 30 nghìn thí sinh trên toàn Ấn độ dự thi để cạnh tranh 600 suất học bổng. Một tỷ lệ chọi không nhỏ.

Đem vấn đề này ra thảo luận với một số đồng nghiệp nước ngoài thì được biết hầu hết các nước khoản kinh phí nghiên cứu cho đào tạo nghiên cứu sinh đều từ các đề tài hoặc dự án. Ở Mỹ thì phần lớn chỉ có tiền trợ cấp cho bản thân nghiên cứu sinh, tiền học phí được Khoa chi trả khi học viên tham gia giảng dạy sinh viên đại học. Toàn bộ kinh phí nghiên cứu đều được chi trả bởi đề tài nghiên cứu của GS hướng dẫn. Ở Nga hiện nay người làm nghiên cứu sinh cũng chỉ nhận được tiền trợ cấp sinh họat, tiền đầu tư cho nghiên cứu được chi trả bằng tiền đề tài của GS hướng dẫn. Bản thân tiền trợ cấp sinh họat cũng là từ nguồn của trường chứ không phải từ Nhà nước. Tiến sỹ Wang Guonju (hiện làm việc tại Viện Thực Phẩm Quốc gia Nhật bản) cho biết anh làm nghiên cứu sinh ở Trung quốc và trường hợp của anh cũng như nhiều trường hợp anh biết đều chỉ nhận được tiền sinh họat phí còn khoản đầu tư cho thí nghiệm đều do đề tài của GS hướng dẫn anh chi trả.

Qua những phân tích trên tôi cho rằng sẽ không phù hợp nếu chỉ dựa vào kinh phí nghiên cứu của học viên (do nhà nước đầu tư) mà phải được hỗ trợ bằng kinh phí của đề tài của GS hướng dẫn. Như vậy cũng làm cho giảng viên đại học muốn hướng dẫn nghiên cứu sinh thì phải có đề tài nghiên cứu. Điều này còn có tác dụng làm cho họ trở nên năng động hơn trong nghiên cứu và tìm kiếm nguồn kinh phí nghiên cứu. Như vậy cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

{mosgoogle}

Thực ra cách làm này không mới tại Việt Nam, trao đổi với GS TS Phạm Thi Trân Châu, người đã từng hướng dẫn rất nhiều nghiên cứu sinh và sinh viên cao học, GS cho biết lâu nay học viên sau đại học làm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của GS không những được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí nghiên cứu mà còn nhận được sinh họat phí (như lương của người đi làm). GS cho rằng đây là hướng nên làm bởi lẽ kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh làm ra cũng là kết quả chính của đề tài, vì thế hoàn toàn có thể dùng kinh phí đề tài để chi trả những khoản nêu trên.

Như vậy cái gốc của chất lượng đào tạo sau đại học của chúng ta kém chính là đầu tư cho nghiên cứu của chúng ta quá ít. Một khi kinh phí đầu tư cho nghiên cứu tăng thì chất lượng đào tạo sẽ tăng lên. Là một đất nước phát triển sau, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển dựa vào khoa học công nghệ thì cần phải tăng tỷ lệ GDP đầu tư cho nghiên cứu.

Tóm lại theo tôi để đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học ở Việt Nam, việc trước tiên là Bộ GD ĐT phải phân quyền cho các trường. Bộ chỉ xét duyệt (và kiểm tra thường niên) chương trình đào tạo nếu đạt tiêu chuẩn thì cho phép đào tạo chứ không nên ôm hết việc về mình. Việc cấp bằng cũng nên để các trường tự làm, và việc “bảo vệ luận án cấp nhà nước” cũng nên bãi bỏ. Bởi lẽ nó tốn kém về kinh phí và thời gian nhưng cũng không đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Để đảm bảo mọi người nếu có nhu cầu đều được làm nghiên cứu sinh Bộ GD ĐT cũng cần thả cho các trường tự quyết định chỉ tiêu và vấn đề kinh phí đào tạo sau đại học (chúng ta đang ở cơ chế thị trường cơ mà!). Họ có thế kết hợp với đề tài nghiên cứu để đào tạo hoặc cũng có thể yêu cầu học viên nộp thông qua học phí. Song song với việc “thả” vấn đề kinh phí, bộ cần xây dựng một “chương trình học bổng sau đại học” đủ mạnh (có thể dựa vào mô hình của Ấn độ). Học viên nào vượt qua kì thi do bộ tổ chức sẽ được học bổng bao gồm sinh họat phí (phải đủ cho mức sinh họat tối thiểu cho học viên) và tiền hỗ trợ nghiên cứu (tôi nhấn mạnh “hỗ trợ”). Học viên đủ tiêu chuẩn được nhận học bổng có thể đăng ký làm nghiên cứu sinh tại bất kì cơ sở đào tạo nào ở trong nước được bộ cho phép đào tạo nghiên cứu sinh theo chuyên ngành học viên đăng ký.

Tất cả các học viên nghiên cứu sinh ngành khoa học tự nhiên đều phải tham gia theo diện đào tạo tập trung, đào tạo không tập trung chỉ áp dụng hạn chế cho học viên đang làm nghiên cứu trực tiếp tại một trong các cơ quan nghiên cứu của nhà nước./.

Lê Tiến Dũng
Khoa Hóa Sinh
Trường Đại học Nebraska-Lincoln, USA
dle3@unl.edu
Mọi góp ý và chia sẻ quan điểm xin gửi về địa chỉ trên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Top