Home / Khoa học & Công nghệ / Phát triển KHCN: Chúng tôi cần thay đổi cơ chế

Phát triển KHCN: Chúng tôi cần thay đổi cơ chế

Ở nước ngoài, hệ thống quản lý bản quyền có khả năng mang lại thu nhập cho cơ quan nghiên cứu khoa học, cho tác giả, từ đó thúc đẩy họ tiếp tục sáng tạo. Hệ thống doanh nghiệp tư nhân của họ sẽ sử dụng những kết quả đăng trên các bài báo, các patent đó để biến thành sản phẩm có ích cho xã hội. Chúng ta chưa làm được điều đó. PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện Di truyền Nông nghiệp chia sẻ về những nguyên nhân khiến KHCN Việt Nam chưa phát triển.

Năm 2007, trong một chuyến đi công tác tại Hoa Kỳ, vào thăm Công ty giống cây trồng Monsanto. Đại diện công ty này cho biết, một năm, họ đầu tư cho nghiên cứu 750 triệu đôla Mỹ, trong đó 95% dành cho nghiên cứu về công nghệ sinh học nông nghiệp, 5% còn lại dành cho nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật.

Còn chúng ta, một năm, đầu tư cho khoa học 400 triệu đôla Mỹ, lại dàn trải trên khắp mọi lĩnh vực của một đất nước hơn 80 triệu dân. Hơn nữa, con số 400 triệu đôla này chỉ mới bắt đầu đầu tư những năm gần đây, từ nền rất thấp kém. Trong hoàn cảnh đội ngũ cán bộ thiếu thốn, hệ thống phòng thí nghiệm thiếu, không đồng bộ, cơ chế quản lý bất hợp lý, lương cán bộ khoa học không đủ sống, sức ép có kết quả đưa vào thực tiễn ngay, làm sao các nhà khoa học của chúng ta có được bài đăng ở tạp chí có tiếng tăm?

Hơn nữa, giả sử các nhà khoa học của Việt Nam có tập trung sức để tạo ra nhiều bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín đi nữa, lúc đó chúng ta sẽ nói: “Đó là những thứ cất vào ngăn kéo, chẳng có ích gì cho dân”. Mà đúng thế thật.

Ở nước ngoài, hệ thống quản lý bản quyền có khả năng mang lại thu nhập cho cơ quan nghiên cứu khoa học, cho tác giả, từ đó thúc đẩy họ tiếp tục sáng tạo. Hệ thống doanh nghiệp tư nhân của họ sẽ sử dụng những kết quả đăng trên các bài báo, các patent đó để biến thành sản phẩm có ích cho xã hội. Chúng ta chưa làm được điều đó.

{xtypo_rounded1} Tôi xin đơn cử một ví dụ trong nông nghiêp.

Nếu một viện nghiên cứu tạo ra một giống lúa mới có năng suất tăng 10% (con số tối thiểu), được áp dụng trên diện tích bằng 10% diện tích của cả nước, khoảng 500.000ha. Giống lúa mới mang lợi cho dân 600 kg/ha. Tổng cộng lợi nhuận mà nó mang lại cho dân hằng năm là 300 ngàn tấn. Nếu mỗi sào ứng dụng giống mới trả cho tác giả 1kg thóc, thì lợi nhuận tác giả được hưởng hằng năm khoảng 15.000 tấn, bằng khoảng 75 tỷ (5 triệuđồng /tấn). Chỉ cần chúng ta thu về cho tác giả 1/5 số tiền này.

Với 15 tỷ cho một năm, tập thể tác giả này sẽ làm ra nhiều giống lúa tốt hơn mà Nhà nước không phải chi thêm một đồng nào cả. Họ sẽ đầu tư cho các nghiên cứu công nghệ cao hơn, thu hút lực lượng cán bộ ưu tú vào làm việc. Lúc đó, bài đăng trên tạp chí quốc tế sẽ là nhu cầu của chính họ.

Thế nhưng, từ trước đến nay và bây giờ vẫn thế, các tác giả này không nhận được gì. Trong trường hợp tốt nhất, họ được một giấy khen và lên lương trước thời hạn 1 năm. Và họ cũng không nhiệt tình gì nữa với công việc. Nhiều người bỏ cơ quan, cán bộ trẻ, có trình độ không vào cơ quan nghiên cứu khoa học.

Thử hỏi, ngay tình trạng đã yếu kém như hiện nay, chúng ta có còn giữ được bao nhiêu năm nữa, huống hồ nói đến việc thay đổi nó tốt hơn? {/xtypo_rounded1}

Nói như vậy để biết rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém hiện nay trong khoa học: tiềm lực con người, trang thiết bị, phòng thí nghiệm đi đôi với các cơ chế chính sách vĩ mô. Mà các cơ chế chính sách là nguyên nhân hàng đầu.

Phải có quyết sách từ cấp cao nhất: Đảng, Nhà nước, các bộ. Chúng ta tuyệt đối không được nóng vội. Chúng ta xuất phát từ nền tảng rất thấp: đào tạo một cán bộ đầu ngành khoa học cần 10-15 năm với chi phí rất lớn, đào tạo một tiến sỹ có chất lượng cao cần 5-7 năm với chi phí không nhỏ. Thu hút lực lượng cán bộ đã được đào tạo rải rác ở các nơi bằng chính sách tài chính cởi mở – lương cao, đầu tư tốt cho công việc… cũng cần nhiều thời gian mới xây dựng được.

Có ý kiến cho rằng để thúc đẩy sự phát triển của khoa học VN, chúng ta cần mời chuyên gia nước ngoài hay Việt kiều về nước làm việc. Tôi cho rằng điều này không khả thi.

Một chuyên gia nước ngoài hay Việt kiều làm việc cần có phòng thí nghiệm với trang thiết bị từ 3 triệu đôla đến hàng chục triệu đôla. Lương của chuyên gia đầu ngành phải đảm bảo tối thiếu 5-7 ngàn đôla/tháng. Một đội ngũ giúp việc cũng cần có lương cao, kinh phí hoạt động của phòng thí nghiệm không nhỏ… Chúng ta không thể kham nổi. Rồi nữa, liệu chuyên gia nước ngoài có hoạt động được trong cơ chế tài chính và quản lý của chúng ta hay không?

Vì vậy, nhận biết những yếu kém của nền khoa học nước nhà, xác định được con đường cải tiến là bắt buộc, không còn lối thoát nào khác. Chúng ta, trước hết là những nhà lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách phải tìm ra cơ chế thích hợp từng bước cải tiến tình hình, quyết tâm, nhưng không nóng vội.

{xtypo_rounded2}Bài viết của PGS Lê Huy Hàm [đã đăng trên VietnamNet] có thể được hiểu là để “trao đổi” ý kiến với tác giả bài viết “Vì sao khoa học Việt Nam chưa phát triển“. Ý kiến dưới đây đã từng được gửi cho VietnamNet [dưới bút danh Lê Thảo Dân] để góp ý kiến với cách nhận định của TS Phạm Đức Chính tuy nhiên có lẽ do viết vội nên câu cú không tốt vì thế ý kiến đã không được đăng.

Tôi đồng ý với tác giả Phạm Đức Chính cũng như nhiều tác giả khác về sự yếu kém của khoa học nước nhà. Tuy nhiên tôi cho rằng việc quy sự yếu kém đó cho các nhà khoa học là chưa sòng phẳng.

Trước hết chúng ta phải nhìn vào cái cách thức các đề tài được phân bổ từ cấp bộ đến đề tài cấp nhà nước và cái yêu cầu của các cơ quan quản lý đề có thể có được đề tài.

Tôi đồng ý về việc định hướng khoa học của chúng ta là không sa đà vào nghiên cứu cơ bản mà chỉ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Trong thực tế thì hầu hết các đề tài của chúng ta kể cả cấp nhà nước với số tiền rất lớn đều chỉ kéo dài trong 3 năm và để có được đề tài các chủ nhiệm đều phải khẳng định là có sản phẩm mà có thể cân đong đo đếm được khi nghiệm thu.

Thiết nghĩ, nhiều lĩnh vực dù nghiên cứu ứng dụng đi nữa thì trong 3 năm không thể có được sản phẩm trừ khi đó đơn thuần chỉ là sự lặp lại những kết quả nghiên cứu ở nước ngoài.

Trong khi chúng ta đồng ý là năng lực nghiên cứu của chúng ta thấp, nhưng những yêu cầu trên, nếu thực hiện được [một cách nghiêm túc], thì lại cho thấy các nhà khoa học của ta đang giỏi hơn “Tây” rất nhiều.

Đề tài thì ngắn hạn nhưng đòi hỏi phải có “sản phẩm ứng dụng được ngay” lại phải nghiên cứu cái gì “mới mới” thì có khác gì các nhà quản lý khoa học đang “vẽ đường” các nhà khoa học “nói dối”.

Thiết nghĩ trong lúc các nhà khoa học đi nước ngoài để học “làm nghiên cứu” thì các nhà quản lý khoa học có lẽ cũng nên được đi nước ngoài để học về quản lý khoa học, học về cách thức xây dựng một định hướng, học để có một tầm nhìn tốt trong định hướng và quản lý khoa học. Và cái gốc của vấn đề có lẽ cần một cái tâm biết đặt lợi ích cá nhân sau lợi ích của tổ quốc, lợi ích của dân tộc. Lê Tiến Dũng{/xtypo_rounded2}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Top